Đó là title một bài viết do tôi đặt mà đã không được biên tập của Kenh14 chấp thuận. Thực ra title đó tôi cũng sửa lại, theo yêu cầu của các anh chị trong nhóm tư vấn PR mà chúng tôi đang làm việc, để phù hợp với tính chất của Kenh14 đó là phục vụ độc giả trẻ.

Nhưng dù sao thì, title đó rất đúng với Mã Đức.

Lát nữa thì tôi sẽ paste vào đây một bài viết mà mấy anh em tôi đã cùng chắp bút viết về Đức, nhưng sau này gặp mấy khó khăn nên chẳng xuất bản được, bên Kênh đưa mỗi việc video của Đức. Độc giả, khán giả xem clip đó thì không hiểu hết về nhân vật cưng này của chúng tôi.

Mã Đức là em khoá dưới đại học của tôi, cũng từng là thầy dạy guitar của tôi, một người thầy mà hễ có ai nhen nhóm học guitar là tôi sẽ ngay lập tức giới thiệu. Mã Đức hiểu âm nhạc, hiểu cây đàn, và hiểu cả những học trò lười như tôi cần gì ở khoá học này. Mã Đức dạy đàn một cách rất khoa học và thông minh. Ngay cả khi đã bỏ cây đàn năm năm nay, tôi vẫn thuộc hết các nguyên tắc mà người thầy kém tuổi đã từng chỉ dạy, thậm chí tay phải vẫn gảy tưng bừng.

Có một câu chuyện Đức kể mà có lẽ nhiều năm sau tôi vẫn không khi nào quên được: “Chị à khi đi làm có tiền chị mua gì? Em thì hay mua đồ chơi. Thuở nhỏ nhìn thấy đồ chơi em thèm lắm, nhà em không ai mua cho em cả. Sau này lớn rồi em vẫn thường mua cho mình những món đồ chơi là ao ước từ thuở nhỏ”.

Mã Đức rất chăm và yêu mèo. Một chàng trai có hình xăm và chăm mèo…

Giữa xã hội hiện đại và tưởng đã cởi mở, một người đàn ông vẫn có thể bị cật vấn về “công ăn việc làm ổn định” nếu anh ta muốn đeo đuổi đam mê.


MỘT NGƯỜI BÌNH THƯỜNG KHAO KHÁT ĐƯỢC “BÌNH THƯỜNG”

Ở vẻ ngoài, Mã Đức là một chàng thanh niên không có gì nổi bật: dáng vẻ tròn trịa thư sinh, đeo kính trắng, giọng nói nhẹ nhàng. Trong đời sống, cậu cũng theo đuổi một công việc không quá đặc sắc: một thầy giáo dạy guitar – nhạc cụ phổ biến nhất thế giới. Nếu không xuất hiện trong một vụ tai nạn giao thông, hoặc làm một chuyện gì động trời, Mã Đức sẽ khó trở thành nhân vật được xuất hiện trên báo chí. Rất dễ tuyên bố, Đức là một người bình thường.

Nhưng bên trong, chàng trai ngoài 20 lại khao khát một cuộc sống “bình thường”. Có một mâu thuẫn giữa chuẩn bình thường của người thầy giáo dạy guitar và đám đông kiêu hãnh. Người ta liên tục ném vào cậu cử nhân trường Báo chí những định kiến về “công ăn việc làm ổn định”, về “thu nhập đủ sống”, về sự “chính quy” – trong khi tất cả những gì cậu muốn chỉ là được sống với đam mê của mình cùng cây đàn.

“TÔI CHỈ LÀ MỘT NGƯỜI HƯỚNG DẪN CHƠI ĐÀN”

Đức tốt nghiệp Học viện Báo chí và Tuyên truyền, một chuyên ngành thuộc khối lý luận. Đúng theo kịch bản, trước mắt Đức sẽ là công việc của một người thầy, đi giảng dạy về lý luận chính trị. Nhưng không có một gia đình toàn vẹn vì cha mẹ ly hôn, cộng với bản thân có các hình xăm, Đức không được chấp nhận vào làm các công việc đúng chuyên ngành.

Sống cô đơn từ nhỏ vì hoàn cảnh gia đình, Đức lớn lên với tình yêu của bà, và tình yêu với âm nhạc. Đức tìm đến cây đàn guitar. Và như Malcolm Gladwell đã hình thành một nguyên lý “Khi bạn dành 10.000 giờ để luyện tập và học hỏi về một việc, bạn sẽ trở thành người giỏi về chuyện đó.” Giỏi về guitar nhưng trong suốt nhiều năm, Đức chỉ nhận mình là “người hướng dẫn chơi đàn”, chứ không dám nhận mình là một “người thầy”.

ƯỚC MƠ VỀ MỘT CÔNG VIỆC ỔN ĐỊNH VẪN GẮN VỚI ÂM NHẠC, VỀ MỘT MÁI ẤM CHO RIÊNG MÌNH

Trong suốt những năm tháng tuổi trẻ của mình, Đức chịu nhiều phán xét từ những điều mà bản thân cậu không gây ra: Cha mẹ ly hôn, không làm một công việc bàn giấy… Ngay cả một công việc lương thiện kiếm ra tiền để trang trải cho bản thân và trợ giúp bà ngoại, đó là hướng dẫn guitar, cũng lại trở thành một cái cớ để “người ta” tiếp tục gieo vào Mã Đức những ánh nhìn đầy ái ngại, rằng thì “cái nghề đàn hát ấy thì làm gì có tương lai”.


“Người ta” là hàng xóm, là họ hàng, và như một kịch bản kinh điển mà cuộc đời có thể dành cho chàng trai trẻ. “Người ta” ở đây bao gồm cả cha mẹ của người cậu yêu. Những sự hoài nghi không dứt, và đàm tiếu, dành cho kẻ đã chọn nghiệp “xướng ca vô loài”. Xã hội không dành cho chàng trai này nhiều lời động viên, và bản thân việc đeo đuổi cây đàn đã khó khăn càng trở nên khó khăn hơn.


Và một ngày, Mã Đức xuất hiện trên báo, để nói về cuộc sống của cậu – trong tư cách một người tiêu biểu cho những freelancer đang theo đuổi một cuộc sống không “công ăn việc làm ổn định” theo định kiến của xã hội bao đời.


Bài viết về Mã Đức nằm trong chiến dịch xã hội #toisogi, mà Bạch Dương chịu trách nhiệm trợ lý điều phối.

Video đăng lần đầu tại http://video.kenh14.vn/tam-su-cua-mot-freelancer-ve-nhung-ap-luc-tren-vai-nguoi-dan-ong-hien-dai-226786.chn

Nguồn: http://bachduongviet.com/theo-duoi-dam-me-guitar-ma-lam-trai-nganh-ma-duc-chang-trai-9x-chiu-nhieu-ap-luc-tu-cac-dinh-kien-xa-hoi/

người đăng

admin

CHIA SẺ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận